Nghi vấn Asanzo nhập hàng Trung Quốc về rồi dán nhãn “Made in Vietnam” để tiêu thụ làm cho người tiêu dùng hụt hẫng vì niềm tin vào hàng Việt bị đánh cắp. Có không ít doanh nhân vẫn đau đáu làm ra những sản phẩm mà phần lớn giá trị được tạo ra trên chính quê hương mình. Nhưng lại có những người chọn con đường mua đi bán lại thay vì đầu tư sản xuất dài hạn, thậm chí chỉ sản xuất một lượng vừa đủ, phần còn lại là nhập từ nơi khác, và bán lại dưới thương hiệu của mình.
Định danh hàng Việt
Về nguyên tắc xuất xứ, hàng hóa được sản xuất tại một quốc gia nào thì phải được hiểu là phần lớn các bộ phận cấu thành hay nguyên liệu được sản xuất trên lãnh thổ quốc gia đó. Có một quy ước chung, được chấp nhận rộng rãi là tỷ lệ tối thiểu phải là 30% hay 40%. Ở một số quốc gia, trên nhãn hàng có ghi cụ thể tỷ lệ là 60% hay cao hơn. Cũng có một cách hiểu khác về “made in” dựa trên phần giá trị gia tăng của hàng hóa (tính trên chi phí hay giá bán), hay một số công đoạn cụ thể nào đó.Có lẽ, là người Việt thì ai cũng muốn mua sản phẩm thuần Việt có chất lượng và giá cả hợp lý. Tuy vậy, gọi là hàng Việt Nam thì cũng có năm, bảy cách hiểu khác nhau. Hàng hóa có thể sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam), lắp ráp tại Việt Nam (Assembled in Vietnam), hay một cách mập mờ có chữ Việt Nam hay lá cờ Việt Nam trên sản phẩm.
Với người tiêu dùng Việt Nam, hàng Việt chắc hẳn được hiểu là sản xuất tại Việt Nam, và do đó phải có một tỷ trọng đáng kể trong thành phẩm là đóng góp của nguyên vật liệu hay chất xám Việt. Nhưng những câu chuyện như Asanzo, KhaiSilk, và những tên tuổi khác chưa bị “việt vị” khiến cho không ít người suy nghĩ vì sao Việt Nam có một thị trường tiêu dùng lớn, nhưng các doanh nghiệp nội địa không muốn đầu tư sản xuất mà chỉ tập trung vào mua đi bán lại?
Doanh nghiệp không có động lực
Việt Nam có không ít doanh nhân tài ba, và luôn đau đáu để có ngày càng nhiều sản phẩm thực sự “Made in Vietnam”. Là những người nhanh nhạy với thị trường, có các điều kiện cần thiết để phát triển doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, chẳng hạn để thế hệ sau tiếp nối là một trong những lý do quan trọng, nhưng thực tế đã không cho họ nhiều sự lựa chọn. Thay vì đầu tư sản xuất, thì nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung mua – bán hay nhập khẩu phần lớn các bộ phận/nguyên liệu rồi hoàn thiện một vài công đoạn không quan trọng cuối cùng trước khi đưa ra thị trường.
Lý do thường được đưa ra là chúng ta chưa có một nền công nghiệp sản xuất, chúng ta không thể cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Nhưng đây không phải là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Các doanh nghiệp Trung Quốc có được lợi thế cạnh tranh về giá như ngày nay là do các chính sách hỗ trợ của chính phủ, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Không chỉ hỗ trợ về các điều kiện kinh doanh, thuế suất, tỷ giá, quan trọng hơn hết là doanh nghiệp có được sự tin tưởng rằng đầu tư sản xuất trong dài hạn sẽ hiệu quả hơn là ăn xổi ở thì.
Nhìn lại Việt Nam, doanh nhân chưa thể đầu tư sản xuất dài hạn vì các chính sách hỗ trợ hầu hết mang tính chất nhất thời, khuyến khích ban đầu. Sự không ổn định về chính sách trong dài hạn là một rủi ro rất lớn đối với các doanh nhân, chính vì vậy tâm lý đánh nhanh rút gọn, làm áp-phe ngự trị trong tâm trí của rất nhiều người. Thực tế đã có rất nhiều chính sách thay đổi theo tư duy nhiệm kỳ, theo lãnh đạo, nên doanh nhân ít khi đặt kế hoạch hay tầm nhìn dài hơn 3-5 năm.
Thêm một lý do khác, ít quan trọng hơn, là đến từ người tiêu dùng. Có một sự phân hóa rất rõ ràng trong mức sống của người Việt hiện này. Những hộ gia đình có điều kiện sẽ dùng hàng chính hãng nhập khẩu từ những nước phát triển, hay của những doanh nghiệp nổi tiếng có nhà máy ở Việt Nam. Nhưng phần lớn các hộ gia đình có thu nhập thấp, sẽ lấy tiêu chí giá cả là quan trọng nhất. Có điều, với giá cả thấp nhưng tâm lý phải là hàng mới, không muốn mua hàng đã qua sử dụng mặc dù đó là hàng tốt.
Tìm bóng hình hàng Việt
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được xem là một thị trường tiêu dùng lớn và đầy tiềm năng. Các doanh nhân cũng biết rằng đầu tư từ sản xuất đến phân phối về dài hạn sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn. Nhưng rủi ro thay đổi chính sách trong dài hạn nằm ngoài khả năng chấp nhận của họ. Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường là quá lớn, biên lợi nhuận của việc mua đi-bán lại vẫn còn hấp dẫn, thì các doanh nhân cớ gì không chọn giải pháp dễ dàng hơn và ít rủi ro bị việt vị hơn. Có điều, một quốc gia mà không có được một nền sản xuất riêng, thì sự tự chủ là rất mong manh.
Để tìm được bóng hình hàng Việt thực sự, câu trả lời chính là ở các chính sách vì một nền sản xuất tại Việt Nam cho người Việt với tầm nhìn dài hạn. Bổ trợ thêm vào đó là sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng giá rẻ. Giá thấp, không có nghĩa là hàng kém chất lượng, mà vẫn có thể tìm được ở thị trường hàng đã qua sử dụng.
Source: Thesaigontimes